Vi phạm các thủ tục hành chính về thuế: Sẽ tăng mức tiền phạt
Giải quyết những bất cập trong xử lý vi phạm về thuế
Theo Bộ Tài chính, vừa qua Luật Quản lý thuế số 38 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế. Cụ thể, bổ sung nguyên tắc xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, mà bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
Đặc biệt, Luật Quản lý thuế số 38 cũng bổ sung quy định xử phạt đối với trường hợp người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường, hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết, nhưng cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra phát hiện khác với số liệu đã khai của người nộp thuế, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.
Cũng theo Bộ Tài chính, thực tế vừa qua việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn được quy định tại 2 nghị định khác nhau, nên việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn có nhiều bất cập trong áp dụng nguyên tắc xử phạt, cũng như thẩm quyền xử phạt giữa 2 lĩnh vực. Do đó, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế số 38 và phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc xử phạt vi phạm hành chính thuế và hóa đơn, thì việc ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là rất cần thiết.
Bộ Tài chính cũng cho biết, nếu Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn được ban hành, sẽ nâng cao ý thức tuân thủ và tự giác chấp hành pháp luật về thuế, quản lý thuế của người nộp thuế, cán bộ thuế, cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cũng góp phần cải cách thủ tục hành chính trong xử lý vi phạm hành chính, qua đó đảm bảo tính công khai, minh bạch, thống nhất, công bằng trong áp dụng pháp luật; đảm bảo đồng bộ trong nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.
Nghị định cũng góp phần xử lý những hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn điện tử dự kiến sẽ phát sinh trong thời gian tới khi triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên diện rộng; giải quyết những tồn tại, hạn chế bất cập của các quy định về xử lý vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn hiện hành còn vướng mắc.
Tăng mức phạt tiền nếu vi phạm hành chính về thuế
Dự thảo nghị định đề xuất tăng mức phạt tiền đối với nhóm vi phạm về thủ tục thuế. Theo Bộ Tài chính, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính theo quy định hiện hành là quá thấp, không đủ sức răn đe. Điều này thể hiện ở số vụ vi phạm hành chính về thuế tăng trong nhiều năm trở lại đây. Báo cáo cho thấy, số vụ vi phạm năm 2018 tăng khoảng 5,6 lần so với năm 2014.
Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế với mức tối thiểu là 500.000 đồng (trước đây là 400.000 đồng) và mức cao nhất là 25 triệu đồng (trước đây là 5 triệu đồng). Cụ thể, với nhóm hành vi vi phạm quy định về đăng ký thuế sẽ bị xử phạt từ 1 – 10 triệu đồng, trong đó bổ sung quy định chi tiết các hành vi theo từng cấp độ chậm đăng ký thuế. Bổ sung hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thuế, đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Nhóm hành vi khai sai, khai không đầy đủ nội dung trong hồ sơ khai thuế sẽ bị xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng. Nếu hành vi khai sai không dẫn đến thiếu thuế hoặc hành vi thuộc trốn thuế, nhưng chưa gây hậu quả bị xử phạt từ 5 – 8 triệu đồng. Bổ sung quy định phạt tiền từ 8 – 12 triệu đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế, hồ sơ tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đã nộp đến cơ quan thuế.
Đối với nhóm hành vi chậm nộp hồ sơ, theo dự thảo, hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế bị xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền ở mức phạt thấp, từ 2 – 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm với số ngày từ 1 đến 30 ngày. Tuy nhiên, nếu chậm nộp trên 30 ngày sẽ bị phạt nặng, từ 5 – 15 triệu đồng. Nếu nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày, thuộc hành vi trốn thuế, nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, hoặc trước khi lập biên bản thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế, nhưng bị xử phạt với mức tiền phạt từ 15 – 25 triệu đồng để tương ứng với mức độ, tính chất của hành vi này.
Với nhóm hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế sẽ bị xử phạt từ 2 – 5 triệu đồng. Nếu vi phạm quy định chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra sẽ bị xử phạt từ 2 – 10 triệu đồng. Đồng thời, chuyển hành vi không ký biên bản thanh tra, kiểm tra tại khoản 2, Điều 13 dự thảo về nhóm hành vi tại khoản 1 với mức độ ít nghiêm trọng hơn.
Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được hoàn có thể bị xử phạt đến 20% số tiền thuế khai thiếu. Đối với hành vi trốn thuế, tùy từng hành vi tăng nặng hoặc giảm nhẹ sẽ có mức phạt từ 1 – 3 lần số thuế đã trốn.
Bổ sung hành vi vi phạm về hóa đơn điện tử
Để phù hợp với Luật Quản lý thuế số 38 về hóa đơn điện tử, dự thảo bổ sung hành vi vi phạm quy định về khởi tạo, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Cụ thể, nếu người nộp thuế chậm bổ sung thay đổi thông tin trên đăng ký sử dụng hóa đơn; khởi tạo hóa đơn điện tử không đủ nội dung, không đúng định dạng quy định; chậm bổ sung thay đổi thông tin trên đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ 10 ngày trở lên sẽ bị xử phạt.
Bài viết này hữu ích như thế nào?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.
Đăng ký nhận bản tin
Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp
08/03/2024
Làm hộ chiếu cần những giấy tờ gì năm 2024
08/03/2024