Quản lý hoạt động chuyển giá và giải pháp tại Việt Nam
10 tháng 01, 2023
Bản tin tài chính
0
(0)
Hiện nay, khi hội nhập kinh tế ngày càng phát triển, nguồn vốn FDI đầu tư vào nước ta ngày càng lớn, hiện tượng chuyển giá của các công ty trong nước và công ty nước ngoài trở nên phổ biến hơn. Trước diễn biến đó, tác giả thực hiện nghiên cứu về thực trạng hành vi chuyển giá cũng như những khó khăn bất cập trong việc quản lý hạn chế chuyển giá, từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm giảm thiểu và quản lý tốt hơn hành vi này.
1. Thực trạng chống chuyển giá ở Việt Nam
Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Nhờ đó, các dự án ĐTNN đã không ngừng tăng lên cả về số lượng và quy mô, góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, xét trên phương diện quản lý thuế, cơ quan thuế đang phải đối mặt với tình hình kê khai thua lỗ ngày càng gia tăng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Những ưu đãi tập trung vào các chính sách thuế, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhưng đồng thờicác công ty này lại lợi dụng để thực hiện hành vi chuyển giá.
Một trong những lý do chính khiến các công ty có vốn ĐTNN đóng góp vào ngân sách nhà nước hiện nay vẫn còn thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng là do lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao để thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Theo đại diện Cục Tài chính DN, tính riêng trong năm 2016, doanh thu của công ty có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,7% so với năm 2015, cao hơn mức độ tăng tài sản (18,6%) và tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu (15,5%) cho thấy hoạt động sản xuất – kinh doanh của các công ty này thuận lợi. Số thu về các sắc thuế nội địa (không kể dầu thô) của khu vực công ty có vốn ĐTNN là 161.608 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Hiệu quả sản xuất – kinh doanh cũng ở mức cao song tình trạng thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước đó. Từ năm 2012 đến 2016, số lượng DN có vốn ĐTNN báo lỗ hằng năm là 44% – 51%.
Hành vi chuyển giá đã diễn ra không chỉ tại các DN liên kết có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà còn diễn ra giữa các bên liên kết trong nội địa. Sở dĩ có hiện tượng này là do Việt Nam vẫn đang thực hiện chính sách ưu đãi về thuế thu nhập công ty theo ngành nghề kinh doanh và địa bàn đầu tư. Lợi dụng chính sách ưu đãi này, các DN trong nước thành lập một số công ty con hoạt động trong những lĩnh vực và địa bàn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế sang công ty con để được hưởng ưu đãi thuế hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ công ty có lãi sang công ty bị lỗ để điều hoà lãi – lỗ, tránh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hành vi chuyển giá của công ty liên kết không chỉ đơn thuần là việc điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế mà còn bao gồm cả chiều ngược lại. Nguyên nhân chính là do công ty mẹ muốn thu hồi vốn nhanh hoặc chuyển lợi nhuận để thực hiện chiến lược kinh doanh đã được công ty mẹ xây dựng trước đó. Do vậy, trong quá trình phân tích rủi ro, thanh tra đối với hoạt động chuyển giá, cơ quan thuế các cấp cũng cần xây dựng tiêu chí để đánh giá mức độ chuyển giá đối với các trường hợp chuyển lợi nhuận theo chiều ngược lại như đã nêu trên.
2. Các văn bản thuế đối với hoạt động chuyển giá
Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ra đời, trong đó có nội dung: ““Thỏathuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế” xác định cụ thểcác căn cứtính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường tạo cơ cở pháp lý chặt chẽ hơn cũng như ngăn ngừa việc trốn lậu thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định”.
Ngày 21/5/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1250/QĐ-BTC phê duyệt chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012 – 2015 nhằm thực hiện Chiến lược cải cách Hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 và thực hiện Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 16/02/2012 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với việc “tăng cường công tác quản lý chống việc chuyển giá của công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được quy định cụ thể tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC. Theo đó, thỏa thuận trước về giá tính thuế là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế và người nộp thuế nhằm xác định cụ thể căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập công ty.
Ngoài ra, Việt Nam đã theo sát những khuyến nghị của OECD và cũng tham gia vào chương trình hành động chống “Xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” bằng việc ban hành các chính sách cụ thể, như Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
3. Những khó khăn quản lý hoạt động chuyển giá
3.1. Khó khăn khách quan
Khó khăn đầu tiên và cũng là khó khăn chung của cả nền kinh tế – xã hội nước ta là xuất phát điểm kinh tế thấp, kéo theo đó là cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu quản lý, không đủ điều kiện để đầu tư trang bị hệ thống máy tính điện tử hiện đại. Theo đó, đây là những điều kiện thiết yếu để thu thập và xử lý thông tin phục vụ hoạt động đấu tranh chống chuyển giá.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ bên cạnh những cơ hội là những thách thức đi cùng. Sự gia tăng nhanh chóng của các công ty FDI, cùng với đó là các hành vi chuyển giá của các công ty này trong bối cảnh chúng ta chưa từng có kinh nghiệm về hoạt động chống chuyển giá, chúng ta phải vừa học hỏi, vừa áp dụng thực tiễn và rút kinh nghiệm dần dần.
Khó khăn thứ ba chính là việc thu thập, sàng lọc thông tin trong bối cảnh các giao dịch quốc tế đa dạng, phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Không phải tất cả các cơ quan thuế các nước đều sẵn sàng hợp tác để cung cấp thông tin, và cũng không phải lúc nào họ cũng có thông tin để cung cấp và cung cấp kịp thời. Trong khi đó, muốn xác định giá chuyển giao theo các nguyên tắc chống chuyển giá mà pháp luật quy định thì phải thu thập đầy đủ thông tin, nếu không có thông tin thì không thể xác định được giá chuyển giao.
3.2. Bất cập trong quản lý
Thứ nhất, hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện. Các quy định về định giá chuyển giao chỉ mới dừng ở cấp thông tư nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Thứ hai, cơ quan thuế chưa được giao thẩm quyền điều tra về thuế nên rất khó khăn trong đấu tranh chống chuyển giá.
Thứ ba, chưa có bộ phận chuyên trách về thu thập thông tin phục vụ hoạt động thanh tra thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế.
Thứ tư, chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng.
Thứ năm, chưa có quy định về cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp tính giá (APA) nên việc quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá chưa được áp dụng linh hoạt trong một số trường hợp có tính phức tạp và chưa khắc phục được việc tranh chấp về thuế giữa cơ quan thuế và người nộp thuế
Thêm vào đó, các DN có hành vi chuyển giá thường là các công ty đa quốc gia, vốn kinh doanh lớn, có đội ngũ chuyên gia tư vấn giỏi có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch tránh thuế thông qua xác định giá chuyển giao, nên để phát hiện và đấu tranh đối với các trường hợp này là rất khó khăn…
4. Một số kiến nghị
Trên cơ sở phân tích những bất cập trong hoạt động chống chuyển giá thời gian qua cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, cần nghiên cứu áp dụng các giải pháp cơ bản sau:
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá. Những nội dung cụ thể cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá là: (i) Cần bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, về lâu dài nên ban hành Luật Chống chuyển giá – đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập công ty mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên…; (ii) Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra chống chuyển giá; và (iii) Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Hai là, thu hẹp các ưu đãi thuế. Như đã nêu trong phần phân tích cơ sở của hành vi chuyển giá, chênh lệch thuế thu nhập công ty giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập công ty trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế là tiền đề để các công ty thực hiện hành vi chuyển giá.
Ba là, nghiên cứu giao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Trước mắt, có thể chỉ giao quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp Tổng cục. Về lâu dài, khi lực lượng công chức thuế đã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đòi hỏi chức năng điều tra thì có thể mở rộng quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp tỉnh.
Bốn là, thành lập bộ phận tình báo thuế ở Tổng cục Thuế. Đây chính là cơ quan có chức năng chuyên trách thu thập thông tin phục vụ quản lý thuế ở cả trong nước và quốc tế. Tình báo thuế không chỉ cần thiết cho hoạt động chống chuyển giá, mà còn rất hữu ích cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Năm là, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế. Có hai việc quan trọng cần làm để hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế là: (i) Mở rộng nguồn thu thập thông tin bằng các hoạt động nghiệp vụ của các bộ phận chức năng trong cơ quan thuế, đặc biệt là của bộ phận tình báo thuế (nếu được thành lập); (ii) Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác như: Công an, kiểm soát, địa chính, kế hoạch – đầu tư,…
Tóm lại, để nâng cao hiệu quả hoạt động chống chuyển giá ở Việt Nam trong thời gian tới, cần quan tâm trước tiên đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.
5. Kết luận
Bài viết phân tích lý do khiến hoạt động chuyển giá trở nên ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Theo đó, phần lớn liên quan đến thuế suất TNDN thấp, khó khăn trong công tác thanh – kiểm tra hoạt động chuyển giá của các cơ quan thuế. Trên cơ sở phân tích những bất cập trong hoạt động chống chuyển giá, tác giả cũng đã nêu lên một số kiến nghị để hạn chế tình trạng này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
-
Bộ Tài chính (2010). Thông tư số 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, ban hành ngày 22/4/2010.
-
Bộ Tài chính (2013), Thông tư số 201/2013/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế, ban hành ngày 20/12/2013.
-
Lê Quang Hùng (2017), Chuyển giá và chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các DN có vốn đầu tư NN ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
-
Lê Xuân Trường (2011), Chống chuyển giá ở Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các điều kiện thực hiện, Tạp chí Tài chính, 5, 18-22.
-
OECD (2016), Tài liệu Hội thảo Thanh tra giá chuyển nhượng và các vấn đề thuế quốc tế liên quan.
-
Quốc Hội (2012), Luật số 21/2012/QH13: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, ban hành ngày 20/11/2012.
Bài viết này hữu ích như thế nào?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.
Danh sách bài viết có liên quan
Đăng ký nhận bản tin
Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp
Theo dõi
Đăng nhập
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận