10 tháng 07, 2023 Bản tin tài chính
5
(55)

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để kiểm soát tốt hơn vấn đề chuyển giá, trốn thuế đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trực tiếp việc chống chuyển giá đối với các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý thu thuế và các DN tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư FDI.

Có thể nói, những năm qua khu vực đầu tư nước ngoài là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng vào phát triển thị trường quốc tế và hội nhập, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đáng kể vào thu ngân sách nhà nước so với tổng thu (năm 2017 khoảng 13,31%, năm 2018 khoảng 13,08% và năm 2019 ước 13,55%).

Đến nay, các DN FDI đã giải quyết việc làm cho trên 3,6 triệu lao động.Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, hơn 30 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50 ngày 20/8/2019 về định hướng đầu tư nước ngoài đến năm 2030, một lần nữa khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế nước ta, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Song, nhìn nhận khách quan thực trạng hiện nay, quản lý nhà nước đối với DN FDI còn bộc lộ những hạn chế cần được xem xét, đánh giá cụ thể để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành được tốt hơn.

Các số liệu nghiên cứu từ số liệu Thư viện Quốc hội cung cấp cũng cho thấy trong thời gian vừa qua vấn đề chuyển giá, trốn thuế có diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng chưa thuyên giảm. Chỉ hơn 3 năm qua, kiểm toán ngành thuế đã huy động nguồn lực tích cực triển khai, song cũng chỉ thanh, kiểm tra được khoảng 10% tổng số DN FDI, nhưng cũng đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 6.036 tỷ đồng, giảm lỗ trên 23.722 tỷ đồng, giảm khấu trừ 188 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 22.675 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đã truy thu 2.078 tỷ đồng và giảm lỗ 17.451 tỷ đồng. Điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 19.000 tỷ đồng.

“Qua con số thống kê nêu trên có thể nói đây là những con số rất đáng lo ngại, cần được đặc biệt quan tâm để có những giải pháp hữu hiệu, quản lý chặt chẽ, ngăn chặn những sai phạm này. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng siết chặt triển khai, thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế (sửa đổi), xây dựng quy trình hướng dẫn chống chuyển giá để thống nhất áp dụng và cần có quy định quản lý chặt chẽ đối với công chức và cơ quan liên quan để tránh việc chuyển giá, trốn thuế.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám định chất lượng, giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ đầu vào và được sử dụng trong quá trình đầu tư dự án. Tăng cường năng lực đội ngũ thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá theo phương pháp phân tích rủi ro. Xây dựng bộ máy đủ mạnh, đủ năng lực và cơ chế kiểm tra liên ngành chuyên ngành để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này đối với khối DN FDI”, đại biểu Hoàng Văn Hùng kiến nghị.

Các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, để kiểm soát tốt hơn vấn đề chuyển giá, trốn thuế đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trực tiếp việc chống chuyển giá đối với các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý thu thuế và các DN tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư FDI.

Đồng thời, đánh giá các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư thu hút của nhà nước ta đối với các DN FDI trong thời gian vừa qua. Kết quả của Kiểm toán Nhà nước sẽ nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với DN FDI và sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và quốc gia. Từ đó có cơ sở điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vừa tăng sức cạnh tranh, thu hút và sử dụng vốn FDI, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của các bên nhà nước, DN và người lao động.

Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng, kho bạc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng rà soát các giao dịch bất thường có dấu hiệu vi phạm để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Ông Hoàng Văn Hùng cũng cho rằng, hoạt động chuyển giá, trốn thuế của DN nói chung và DN FDI nói riêng đã đến hồi cảnh báo. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm này.

“Ngoài việc xử phạt theo quy định của pháp luật, đề nghị công khai kết quả phát hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế để tạo áp lực xã hội đối với các DN có hành vi này. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý mạnh hơn để răn đe khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm cần xử lý ngay, chuyển đến cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, từng bước chặn đứng tình trạng này”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 55

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Đăng ký nhận bản tin

Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Comments
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận
    Hotline Zalo Messenger Up