Những khoản thuế, lệ phí không được tính là chi phí hợp lý
Chi phí hợp lý được trừ là những chi phí cần thiết trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí tiền lương, chi trợ cấp … và có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng những điều kiện sau:
– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
– Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật;
– Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Vậy các khoản thuế, lệ phí mà doanh nghiệp phải nộp hàng năm nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì được tính vào chi phí hợp lý. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì vẫn có một số khoản thuế không được tính vào chi phí hợp lý. Đó là những khoản thuế nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
…
2.37. Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn thuế; thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vượt mức quy định được khấu trừ theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập doanh nghiệp trừ trường hợp doanh nghiệp nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu nước ngoài mà theo thoả thuận tại hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài, doanh thu nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân trừ trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động quy định tiền lương, tiền công trả cho người lao động không bao gồm thuế thu nhập cá nhân”.
1. Thuế giá trị gia tăng
Căn cứ theo quy định nêu trên, các khoản nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) sau đây không được tính vào chi phí:
– Thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn thuế.
– Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vượt mức quy định được khấu trừ theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế GTGT.
Theo Khoản 3, Điều 9 Thông tư 151/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định như sau:
“Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
3….
Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ”.
Như vậy, thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vượt mức 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì không đượ c tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
2. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC nêu trên thì thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế TNDN mà doanh nghiệp nộp hộ nhà thầu nước ngoài không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp nộp thay thuế TNDN của nhà thầu nước ngoài mà theo thoả thuận tại hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài, doanh thu nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
3. Thuế thu nhập cá nhân
Tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do doanh nghiệp khấu trừ trên thu nhập của của người lao động để nộp vào ngân sách nhà nước không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động quy định tiền lương, tiền công trả cho người lao động không bao gồm thuế TNCN thì thuế TNCN do doanh nghiệp cam kết nộp thay có đầy đủ hồ sơ, chứng từ là khoản chi phí về lao động tiền lương được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng làm việc với chị B, 1 tháng công ty trả cho chị B 15 triệu đồng, chị B không có người phụ thuộc.
– TH1: Lương 15 triệu đã bao gồm thuế TNCN. Hàng tháng, doanh nghiệp khấu trừ tiền thuế TNCN trên lương, rồi mới trả số tiền còn lại cho chị B => Số tiền thuế TNCN trong trường hợp này không được tính là chi phí được trừ trừ khi tính thuế TNDN.
– TH2: Lương 15 triệu chưa bao gồm thuế TNCN. Hàng tháng, doanh nghiệp trả đủ cho chị B 15 triệu, doanh nghiệp nộp thuế hộ => Số tiền thuế TNCN trong trường hợp này được tính là chi phí được trừ trừ khi tính thuế TNDN.
Căn cứ pháp lý:
– Thông tư 96/2015/TT-BTC.
– Thông tư 151/2014/TT-BTC.
Nguồn: thuvienphapluat.vn
Bài viết này hữu ích như thế nào?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.
Đăng ký nhận bản tin
Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp
08/03/2024
Làm hộ chiếu cần những giấy tờ gì năm 2024
08/03/2024