Bài viết phân tích thực trạng cung cấp thông tin tài sản công phục vụ lập Báo cáo tài chính nhà nước hiện nay, từ đó nhận diện những vấn đề còn tồn tại, để có giải pháp góp phần nâng cao chất lượng thông tin về tài sản công phục vụ lập Báo cáo tài chính nhà nước.
Thông tin về tài sản công là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Báo cáo tài chính nhà nước, phản ánh giá trị tài sản công trong kỳ báo cáo. Chất lượng thông tin về tài sản công có tác động trực tiếp và đáp ứng yêu cầu phản ánh trung thực, khách quan, hợp lý thông tin tài chính nhà nước, bảo đảm tính nhất quán, liên tục và tính so sánh của thông tin trong Báo cáo tài chính nhà nước.
Thực trạng cung cấp thông tin tài sản công phục vụ lập Báo cáo tài chính nhà nước
Thực hiện chức năng Tổng Kế toán Nhà nước, quy định của Luật Kế toán năm 2015 và Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ, năm 2019 Bộ Tài chính thực hiện lập Báo cáo tài chính nhà nước (TCNN) cho năm tài chính 2018. Việc lập và công khai Báo cáo TCNN giúp tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của nền tài chính quốc gia, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Báo cáo TCNN có ý nghĩa quan trọng trong quản lý kinh tế, tài chính của quốc gia, thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể sử dụng (các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách; các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư, các nhà tài trợ; người dân…).
Báo cáo tình hình TCNN là báo cáo tài chính (BCTC) tổng hợp, phản ánh toàn bộ thông tin về tài sản; nợ phải trả; nguồn vốn của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc phạm vi tỉnh tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo. Nội dung Báo cáo tình hình TCNN gồm: Tài sản của Nhà nước, nợ phải trả của Nhà nước và nguồn vốn của Nhà nước. Trong đó, tài sản của Nhà nước bao gồm toàn bộ tài sản của Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước (Cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp; cơ quan nhà nước, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); cơ quan, tổ chức quản lý Quỹ TCNN ngoài ngân sách; đơn vị sự nghiệp công lập…) nắm giữ, quản lý và sử dụng theo quy định: Tiền và các khoản tương đương; các khoản phải thu; hàng tồn kho; đầu tư tài chính; cho vay; tài sản cố định (TSCĐ) hữu hình; xây dựng cơ bản dở dang; TSCĐ vô hình; tài sản khác. Như vậy, thông tin về tài sản công (TSC) là một bộ phận quan trọng phản ánh nội dung “Tài sản của Nhà nước” trong Báo cáo TCNN.
Theo quy định tại Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập Báo cáo TCNN, Cục Quản lý công sản được giao: Báo cáo theo biểu mẫu B03/CCTT quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư số 133/2018/TT-BTC, phản ánh thông tin TCNN liên quan đến TSC theo từng địa bàn (trung ương, tỉnh, huyện) được Cục Quản lý công sản theo dõi, quản lý trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về TSC.
Theo biểu mẫu B03/CCTT, TSC thuộc phạm vi Cục Quản lý công sản cung cấp thông tin gồm: (i) Tài sản kết cấu hạ tầng (tài sản hạ tầng (TSHT) đường bộ, TSHT đường sắt, TSHT đường thủy nội địa, TSHT đường hàng hải, TSHT đường hàng không và TSHT khác); (ii) TSCĐ hữu hình trang bị cho đơn vị (gồm: nhà, vật kiến trúc, phương tiện vận tải và tài sản khác); (iii) TSCĐ vô hình trang bị cho đơn vị (gồm: quyền sử dụng đất, bản quyền, chương trình phần mềm, giá trị thương hiệu và tài sản khác).
Nội dung thông tin cung cấp đối với từng loại TSC nêu trên gồm: (i) Nguyên giá (số đầu năm, tăng trong năm, giảm trong năm, số cuối năm); (ii) Khấu hao/ hao mòn (số đầu năm, tăng trong năm, giảm trong năm, số cuối năm); (iii) Giá trị còn lại (số đầu năm, số cuối năm).
Để phục vụ lập Báo cáo TCNN năm 2018, Cục Quản lý công sản đã cung cấp cho Kho bạc Nhà nước (KBNN) các thông tin về TSC gồm: (i) TSHT giao thông đường bộ khối trung ương; (ii) TSCĐ hữu hình trang bị cho đơn vị (nhà, vật kiến trúc, phương tiện vận tải và khác) khối trung ương; (iii) TSCĐ vô hình trang bị cho đơn vị (quyền sử dụng đất, bản quyền, chương trình phần mềm, giá trị thương hiệu và khác) khối trung ương. Tổng nguyên giá TSC đã cung cấp là 1.130.655 tỷ đồng (số đầu kỳ) và 1.147.655 tỷ đồng (số cuối kỳ). Các thông tin này, Cục Quản lý công sản tổng hợp từ CSDL quốc gia về TSC.
Năm 2020, để phục vụ lập Báo cáo TCNN năm 2019, Cục Quản lý công sản đã cung cấp cho KBNN thông tin số liệu về: (i) TSHT giao thông đường bộ khối trung ương và khối địa phương, tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; (ii) TSCĐ hữu hình trang bị cho đơn vị (nhà, vật kiến trúc, phương tiện vận tải và khác) khối trung ương; (iii) TSCĐ vô hình trang bị cho đơn vị (quyền sử dụng đất, bản quyền, chương trình phần mềm, giá trị thương hiệu và khác) khối trung ương.
Một số vấn đề đặt ra
Việc cung cấp thông tin về TSC và lập Báo cáo TCNN hai năm (2018, 2019) là nỗ lực lớn của hệ thống KBNN, Cơ quan quản lý TSC các cấp nhằm từng bước nắm chắc, nắm đầy đủ, kịp thời thông tin về thực trạng và biến động nguồn lực TSC của đất nước trong bối cảnh công tác theo dõi, hạch toán, xác định giá trị của TSC (đặc biệt là các loại tài sản kết cấu hạ tầng, TSCĐ vô hình và tài sản đặc thù) còn nhiều khó khăn, bất cập. Yêu cầu phải có thông tin để lập Báo cáo TCNN đã tác động tích cực tới công tác quản lý TSC của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, thực tiễn 02 năm triển khai. Báo cáo TCNN đã gặp phải một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như:
Một là, thông tin về TSC còn chưa đầy đủ so với yêu cầu để lập Báo cáo TCNN. Theo ước tính của các chuyên gia quốc tế, giá trị TSC của mỗi quốc gia thông thường bằng khoảng 4 lần GDP của quốc gia đó. Ở Việt Nam, theo ước tính, con số này có thể còn lớn hơn. Trong cơ cấu giá trị TSC của một quốc gia, thông thường trung ương chiếm 1/4, địa phương chiếm 3/4. Tuy nhiên, tổng nguyên giá TSC khối trung ương đang được theo dõi trong CSDL quốc gia về TSC năm 2018 (số cuối kỳ) được cung cấp để lập Báo cáo TCNN chỉ bằng khoảng 20,6% GDP năm 2018.
Hai là, phạm vi TSC được cung cấp thông tin còn hẹp so với yêu cầu thông tin trong Báo cáo TCNN và phạm vi TSC theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC. Đối chiếu với Thông tư số 133/2018/ TT-BTC, năm 2018, còn thiếu các thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, TSHT đường thủy nội địa, TSHT đường hàng hải, TSHT đường hàng không và TSHT khác (ngoài tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ do trung ương quản lý); Chưa có thông tin về tài sản là thương hiệu, các di sản thuộc nhóm TSCĐ vô hình; chưa có thông tin về các loại phương tiện vận tải ngoài xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; chưa có thông tin về tài sản phục vụ công tác quản lý của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Đối với Báo cáo TCNN của năm 2019, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu về TSC trong CSDL, để cung cấp cho KBNN lập Báo cáo TCNN toàn quốc và Báo cáo TCNN tỉnh; trong đó, đặc biệt lưu ý các thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ khối địa phương và tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Ba là, thông tin về TSC còn chưa bảo đảm tính thống nhất, liên thông. Việc lập Báo cáo TCNN hiện do KBNN (đối với Báo cáo TCNN toàn quốc) và KBNN cấp tỉnh (đối với Báo cáo TCNN tỉnh) thực hiện. Tuy nhiên, việc khai thác số liệu trong CSDL quốc gia về TSC được thực hiện ở các thời điểm khác nhau, trong khi việc đăng nhập số liệu vẫn được thực hiện một cách liên tục nên số liệu báo cáo trong nhiều trường hợp có sự khác nhau.
Bốn là, việc tổng hợp, cung cấp thông tin về TSC để phục vụ việc lập Báo cáo TCNN còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ. KBNN các cấp liên tục phải có các văn bản đôn đốc thực hiện.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do các yếu tố sau:
Nguồn cung cấp thông tin về TSC để lập Báo cáo TCNN còn hẹp. Theo quy định hiện hành, Cục Quản lý công sản và đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp trung ương và ngân sách cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về TSC. Nguồn số liệu để cung cấp thông tin phụ thuộc lớn vào thông tin trong CSDL quốc gia về TSC. CSDL quốc gia về TSC được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm Đến nay, CSDL quốc gia về TSC đã thực hiện cập nhật và quản lý thông tin đối với 6 nhóm tài sản, bao gồm: Đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Nhà, công trình thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ; Tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Với các dữ liệu hiện tại, CSDL chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thông tin về TSC để lập Báo cáo TCNN, nhất là đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng (như: TSHT đường thủy nội địa, TSHT đường hàng hải, TSHT đường hàng không, TSHT đường sắt, TSHT thương mại, hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng thủy lợi, đê điều và tài sản hạ tầng khác); TSCĐ có nguyên giá dưới 500 triệu đồng tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp; TSCĐ đặc thù (cổ vật, bảo vật và các di sản khác); tài sản của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài…
Việc tổng hợp số liệu để cung cấp thông tin về TSC còn tồn tại nhiều bất cập. CSDL quốc gia hiện hành chưa có mẫu biểu cung cấp thông tin để phục vụ lập Báo cáo TCNN, việc tổng hợp số liệu đang được thực hiện thủ công. Trong khi đó, CSDL quốc gia về TSC chưa hoàn thành việc nâng cấp, tốc độ đường truyền còn chậm, gây khó khăn trong cập nhật số liệu và khai thác các báo cáo.
Chưa có các quy định về thời gian chốt số liệu trên các phần mềm trong CSDL quốc gia về TSC để đảm bảo thống nhất thông tin tài sản hàng năm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, hạch toán TSC làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản, hạch toán, tính hao mòn/khấu hao tài sản; thực hiện xây dựng các CSDL TSC chuyên ngành để tích hợp vào CSDL quốc gia về TSC… chưa đầy đủ.
Đội ngũ cán bộ nhập liệu và cán bộ chuyên quản các phần mềm trong CSDL quốc gia về TSC tại các bộ, ngành, địa phương đa phần là kiêm nhiệm, chuyển đổi vị trí thường xuyên dẫn tới việc cập nhật số liệu vào CSDL gặp nhiều khó khăn. Việc đào tạo, tập huấn hướng dẫn sử dụng các phần mềm trong CSDL quốc gia về TSC cho các cán bộ nhập liệu và chuyên quản của các bộ, ngành, địa phương chưa thường xuyên.
Việc áp dụng chế tài xử lý chưa nghiêm; các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện quy định tại Khoản 4 Điều 125 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC năm.
Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin về tài sản công phục vụ lập Báo cáo tài chính nhà nước
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin về TSC phục vụ lập báo cáo TCNN, cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, tạo cơ sở pháp lý hình thành nguồn dữ liệu tin cậy phục vụ lập Báo cáo TCNN và thực hiện quản lý, sử dụng TSC. Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các loại tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ để báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành; hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cho phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC, nhất là các loại hạ tầng thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch, hạ tầng cấp nước, hạ tầng xử lý rác thải, hạ tầng kỹ thuật đô thị… Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền thông tư hướng dẫn về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Thứ hai, các bộ quản lý chuyên ngành (đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt quốc gia, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường bộ), tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và các loại TSHT khác khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định.
Thứ ba, hoàn thành việc nâng cấp CSDL quốc gia về TSC để từng bước cập nhật, quản lý đầy đủ các loại TSC theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017, cũng như yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ lập Báo cáo TCNN. Hiện Cục QLCS đang thực hiện Dự án nâng cấp CSDL quốc gia về TSC, trong đó, đã mở rộng phạm vi TSC được cập nhật, tích hợp, theo dõi thông tin đối với TSCĐ có nguyên giá dưới 500 triệu đồng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; các loại tài sản kết cấu hạ tầng ngoài hạ tầng giao thông đường bộ; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Xây dựng quy trình nghiệp vụ để tổng hợp thông tin theo đúng mẫu biểu cung cấp thông tin phục vụ lập Báo cáo TCNN. Dự án nâng cấp khi hoàn thành (dự kiến triển khai trong tháng 12/2021), tạo nền tảng công nghệ, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin về TSC để lập Báo cáo TCNN.
Thứ tư, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với TSC chuyên ngành khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, đưa vào vận hành CSDL về tài sản công chuyên ngành theo nhiệm vụ được Nhà nước giao để chia sẻ, kết nối thông tin với CSDL quốc gia về TSC do Bộ Tài chính quản lý. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ liên quan xây dựng mới hoặc nâng cấp CSDL về TSHT thủy lợi, hạ tầng đường sắt quốc gia, hạ tầng hàng hải, hạ tầng hàng không, hạ tầng đường thủy nội địa, tài sản hình thành thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Thứ năm, đa dạng hóa nguồn cung cấp thông tin về TSC phục vụ lập Báo cáo TCNN phù hợp với lộ trình xây dựng và hoàn thiện CSDL quốc gia về TSC; Gắn trách nhiệm quản lý, sử dụng TSC với trách nhiệm cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý TSC. Phương án tối ưu trong việc sử dụng nguồn thông tin để cung cấp là hình thành hệ thống CSDL đồng bộ, thống nhất, cập nhật và tin cậy. Tuy nhiên, để kiện toàn hệ thống cần phải có thời gian và các điều kiện bảo đảm khác, trong khi yêu cầu thông tin để lập Báo cáo TCNN là thường xuyên và cấp bách. Vì vậy, cần bổ sung quy định, các đơn vị được giao quản lý TSC có trách nhiệm cung cấp thông tin từ hệ thống sổ kế toán của đơn vị (nếu chưa có CSDL). Ngay cả khi đã có CSDL thì các cơ quan đầu mối quản lý TSC ở trung ương và cấp tỉnh, cấp huyện cũng phải là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp thông tin.
Thứ sáu, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn hướng dẫn sử dụng các phần mềm trong CSDL quốc gia về TSC cho đội ngũ cán bộ làm công tác nhập dữ liệu, quản trị các phần mềm. Thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành, địa phương cập nhật, chuẩn hóa, chỉnh lý thông tin trong CSDL quốc gia về TSC, bảo đảm vận hành thông suốt, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin phục vụ công tác quản lý, sử dụng, khai thác TSC của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; bố trí cán bộ có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quản trị CSDL và thực hiện cập nhật kịp thời biến động tăng, giảm TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Thứ bảy, tăng cường công tác phối hợp của cơ quan tài chính với KBNN trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSC không thực hiện báo cáo kê khai về TSC và báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng TSC theo quy định.
Tài liệu tham khảo:
Chính phủ (2017), Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước;
Bộ Tài chính (2018), Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập Báo cáo tài chính nhà nước;
Kho bạc Nhà nước, Tài liệu Hội thảo “Tổng kết công tác lập Báo cáo Tài chính Nhà nước năm đầu tiên năm 2018″, Hà Nội, ngày 01/12/2020;
Cục Quản lý công sản, Báo cáo tổng kết công tác năm 2019, 2020…
Đăng ký nhận bản tin
Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp