Các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ loạt chính sách hỗ trợ về thuế, ngân hàng… trước ảnh hưởng của đợt dịch lần 4. Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) mới đây cho thấy, kỳ vọng về các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp đã giảm.
Điều này theo Ban IV, xuất phát từ cách thiết kế và thực thi chính sách chưa sát với thực tiễn. Do đó, đối với các chính sách hỗ trợ sắp tới, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực.
Trước ảnh hưởng của đợt dịch mới, khảo sát của Ban IV cho thấy hơn 82% hiệp hội đề xuất có thêm các gói vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021. Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại thông báo “đã cho vay vượt quy mô vốn ưu đãi cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch” nên dừng giải ngân, dẫn tới lãi suất vay sản xuất kinh doanh tăng trở lại.
Bên cạnh đó, hơn 91% hiệp hội đề xuất Chính phủ tiếp tục xem xét các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho doanh nghiệp tới hết 2022 (như thuế đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản phí đặc thù từng ngành…)
Nhiều hiệp hội cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ chuyên ngành ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng trong một số ngành cụ thể. Đơn cử như chính sách giảm phí trước bạ 50% cho người mua ôtô từ tháng 7/2020 đến hết năm 2020 đã kích thích tiêu dùng trong nước rất hiệu quả.
Các doanh nghiệp mong rằng từ nay đến hết 2022 sẽ không áp dụng thêm các chính sách mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp về thuế, phí, lệ phí, hoặc tăng ngân sách đầu tư mới các hạng mục nhằm đáp ứng các yêu cầu điều kiện kinh doanh, quy trình, thủ tục hành chính của nhà nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương phối hợp xây dựng các quy trình “luồng xanh” ưu tiên cho hàng hóa xuất nhập khẩu để hỗ trợ tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch.
Ngoài ra, nhiều giải pháp cụ thể khác được doanh nghiệp đề cập để hỗ trợ họ như tiếp tục cho doanh nghiệp dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất đến hết năm 2022. Doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Doanh nghiệp cũng mong muốn Liên đoàn Lao động Việt Nam không thu kinh phí công đoàn trong năm 2021 – 2022 hoặc ít nhất giảm mức thu còn 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, sử dụng quỹ hiện có để hỗ trợ trực tiếp người lao động chi phí xét nghiệm, chi phí phải nộp khi vào diện cách ly…
Rất mong những chia sẻ mà dịch vụ kiểm toán AMA là hữu ích dành cho bạn đọc.
Đăng ký nhận bản tin
Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp