Trong 7 tháng đầu năm 2021, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đồng bộ, hiệu quả. Qua đó, đã thực hiện thu nợ ước đạt 18.802 tỷ đồng, bằng 62,5% chỉ tiêu thu nợ giao. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 13.012 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.790 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, tác động khó lường của đại dịch COVID-19 khiến người nộp thuế gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, chưa nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Thậm chí, do chịu tác động trực tiếp của đại dịch, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể, phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ đọng thuế, số nợ thuế có xu hướng tăng lên.
Trước thực trạng đó, để đảm bảo nguồn thu trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế đã tổ chức rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, đặc biệt tập trung rà soát, phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng.
Đối với các trường hợp người nộp thuế nợ thuế chây ỳ, kéo dài, các cục Thuế thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.
Song song với đó, ngành Thuế tập trung thực hiện công tác khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN, đảm bảo xử lý đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự, thủ tục chặt chẽ và xử lý được tối đa số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN.
Ngành Thuế tăng cường phối hợp với UBND các cấp và các cơ quan liên quan như: Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên môi trường, Công an, Tòa án… trong việc thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN và xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đúng thời hạn quy định. Trường hợp người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn sau thời điểm khóa sổ kế toán thuế thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh tiền chậm nộp kịp thời cho người nộp thuế.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, qua 7 tháng đầu năm 2021, cơ quan thuế các cấp thu nợ ước đạt 18.802 tỷ đồng, đạt 62,5% chỉ tiêu thu nợ giao. Trong đó, số thu bằng biện pháp quản lý nợ là 13.012 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.790 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng cho biết, mặc dù tiến độ thu nợ đạt khá so với chỉ tiêu được giao (cao hơn khoảng 4%), nhưng tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 7/2021 là 116.691 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 22,8% so với thời điểm 31/12/2020, giảm 0,8% so với thời điểm ngày 30/6/2021.
Cụ thể, nợ tiền thuế có khả năng thu là 60.395 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ; bao gồm các khoản nợ thuế, phí là 38.043 tỷ đồng; các khoản nợ liên quan đến đất là 22.352 tỷ đồng.
Số tiền phạt và tiền chậm nộp phát sinh của nợ có khả năng thu (tính 0,03%/ngày trên số thuế chậm nộp) là 20.108 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 0,6% so với thời điểm ngày 30/6/2021;
Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 25.294 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ năm 2020 do cơ quan thuế các cấp thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội.
Tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) là 9.450 tỷ đồng. Tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện là 1.444 tỷ đồng.
Lý giải về số nợ thuế vẫn còn cao, Tổng cục Thuế cho biết, do từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 2 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 với diễn biến phức tạp, rất nhiều địa phương có số thu lớn phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tình trạng này khiến cho người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên chưa nộp kịp thời tiền thuế vào NSNN. Bên cạnh đó, phát sinh thêm tiền chậm nộp tính theo mức 0,03%/ ngày trên tổng số tiền thuế nợ làm tăng nợ thuế…
Đăng ký nhận bản tin
Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp