Khái quát về báo cáo tài chính
1. Mục đích của báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:
– Tài sản;
– Nợ phải trả;
– Vốn chủ sở hữu;
– Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;
– Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;
– Các luồng tiền.
Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày Báo cáo tài chính.
2. Kỳ lập báo cáo tài chính
Kỳ lập báo cáo tài chính năm: Doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó.
Kỳ kế toán năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch. Doanh nghiệp có đặc thù về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và phải thông báo cho cơ quan tài chính, cơ quan thuế.
Kỳ lập Báo cáo tài chính giữa niên độ: Báo cáo tài chính giữa niên độ gồm Báo cáo tài chính quý (bao gồm cả quý IV) và Báo cáo tài chính bán niên.
Kỳ lập Báo cáo tài chính khác:
– Các doanh nghiệp có thể lập Báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác (như tuần, tháng, 6 tháng, 9 tháng…) theo yêu cầu của pháp luật, của công ty mẹ hoặc của chủ sở hữu.
– Đơn vị kế toán bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản phải lập Báo cáo tài chính tại thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản.
3. Đối tượng, trách nhiệm lập và chữ ký trên báo cáo tài chính
Đối tượng lập báo cáo tài chính
Đối với báo cáo tài chính năm:
Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Báo cáo tài chính năm phải lập theo dạng đầy đủ.
Đối với báo cáo tài chính giữa niên độ:
– Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ;
– Các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng tại điểm a nêu trên được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
– Báo cáo tài chính giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với Báo cáo tài chính giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.
Trách nhiệm lập báo cáo tài chính
Doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của riêng đơn vị mình và Báo cáo tài chính tổng hợp. Báo cáo tài chính tổng hợp được lập trên cơ sở đã bao gồm số liệu của toàn bộ các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và đảm bảo đã loại trừ tất cả số liệu phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.
Các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của mình phù hợp với kỳ báo cáo của đơn vị cấp trên để phục vụ cho việc tổng hợp Báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên và kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
Chữ ký trên báo cáo tài chính
Chữ ký trên báo cáo tài chính là chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.
Đối với đơn vị không tự lập Báo cáo tài chính mà thuê dịch vụ kế toán lập Báo cáo tài chính, người hành nghề thuộc các đơn vị dịch vụ kế toán phải ký và ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề, tên và địa chỉ Đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Người hành nghề cá nhân phải ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề.
4. Công khai báo cáo tài chính
Doanh nghiệp phải công khai các nội dung sau đây trong báo cáo tài chính:
– Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;
– Kết quả hoạt động kinh doanh;
– Trích lập và sử dụng các quỹ;
– Thu nhập của người lao động;
– Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Việc công khai báo cáo tài chính được thực hiện theo một hoặc một số hình thức sau đây:
– Phát hành ấn phẩm;
– Thông báo bằng văn bản;
– Niêm yết;
– Đăng tải trên trang thông tin điện tử;
– Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
5. Nộp báo cáo tài chính
Thời hạn nộp báo cáo tài chính
Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày.
Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.
Nơi nộp báo cáo tài chính
– Sở Tài chính nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính (Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài);
– Cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Cục thuế hoặc Chi cục thuế);
– Cơ quan thống kê (Cục thống kê hoặc Chi cục thống kê);
– Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính;
– Đơn vị kế toán cấp trên nếu doanh nghiệp có đơn vị kế toán cấp trên;
– Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu (đối doanh nghiệp nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao).
6. Kiểm toán báo cáo tài chính
Đối với các doanh nghiệp mà pháp luật quy định phải kiểm toán Báo cáo tài chính thì phải kiểm toán trước khi nộp Báo cáo tài chính theo quy định. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán phải đính kèm báo cáo kiểm toán vào Báo cáo tài chính khi nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cấp trên.
Doanh nghiệp mà báo cáo tài chính bắt buộc phải kiểm toán:
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
– Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng;
– Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
– Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Kiểm toán độc lập 2011.
Bài viết này hữu ích như thế nào?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.
Đăng ký nhận bản tin
Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp
08/03/2024
Làm hộ chiếu cần những giấy tờ gì năm 2024
08/03/2024