Giãn thuế có thể là một gánh nặng tài chính cộng dồn với doanh nghiệp
Phó viện trưởng CIEM lưu ý, lùi thời gian nộp thuế không phải miễn thuế nên doanh nghiệp cần tính toán kỹ để không dồn gánh nặng tài chính vào cuối năm.
Tại toạ đàm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, thuê đất theo Nghị định 52, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh doanh nghiệp phải thực sự ý thức bản chất của chính sách là tạm lùi thời gian nộp để tránh “tính toán sai trong chiến lược kinh doanh”.
Từ trái qua phải: Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM; Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế; Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội SME tại toạ đàm Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế hôm 17/6. Ảnh: VGP.
Nghị định 52, theo Bộ Tài chính dự kiến sẽ gia hạn tổng tiền thuế (thu nhập doanh nghiệp, VAT, thu nhập cá nhân) và thuê đất lên đến 115.000 tỷ đồng. Theo ông Hiếu, nghị định có thể giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính để cầm cự qua giai đoạn dịch bệnh.
Tuy nhiên, vì bản chất chỉ là hoãn nộp thuế, tiền thuê đất, khi hết khoản thời gian này, gánh nặng tài chính sẽ bị cộng dồn. Cuối năm thường là khoảng thời gian các doanh nghiệp phải nộp nhiều nghĩa vụ tài chính nên nhiều doanh nghiệp ngần ngại có nên thụ hưởng chính sách này hay không.
“Chúng ta tin tưởng dịch bệnh được kiểm soát nhưng giả sử kịch bản xấu nhất là nó vẫn tiếp tục, khó khăn của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều lần”, ông nói.
Do vậy, ông cho rằng cơ quan thuế phải tính đến trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp không trả được phần cộng dồn thuế đến cuối năm trước tác động của dịch bệnh.
“Ngay bây giờ phải nghĩ đến việc, nếu tác động của dịch bệnh còn kéo dài, có nên gia hạn tiếp với những khoản thuế đã được gia hạn hay không”, ông nói. Doanh nghiệp cần biết rõ điều này để xây dựng chiến lược kinh doanh.
Chia sẻ lo ngại này nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng trong sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải lường trước, phải chuẩn bị dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Theo bà, Nghị định 52 đã thiết kế để giãn cách thời hạn thanh toán, không để dồn tất cả vào tháng 12. Ví dụ, VAT của tháng 3 sẽ được gia hạn 5 tháng, thì tháng 9 sẽ phải nộp, của tháng 4 thì tháng 10 nộp…
Hay với tiền thuê đất, nếu tiền đợt một phải nộp vào ngân sách là cuối tháng 5, khi được gia hạn 6 tháng, đến cuối tháng 11 mới phải đóng. Do vậy, bà Hà nhấn mạnh, đã có sự giảm tải tập trung thanh toán tại
một thời điểm, giúp người nộp thuế chủ động hơn.
Một nỗi lo khác của doanh nghiệp, theo ông Hiếu, là rủi ro về nguyên tắc tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính trung thực chính sách, về mặt đối tượng khi nộp thủ tục gia hạn thuế.
“Doanh nghiệp lo là khi đã đề nghị gia hạn thuế thì đề nghị này có giá trị pháp lý như thế nào? Họ sợ nếu được hưởng chính sách này, sau đó cơ quan thuế lại thanh tra, nhỡ có một sai sót gì trong việc thực hiện thủ tục mà bị nộp phạt thuế, hoặc bị truy thu thuế thì rất khó khăn”, ông nói. Theo ông, dù Nghị định 52 có tiến bộ hơn so với trước, nhưng chưa có điều khoản nào thực sự rõ ràng để giảm được rủi ro pháp lý cho các thủ tục này.
Với tính pháp lý của giấy đăng ký gia hạn nộp thuế, theo bà Hà, cơ quan thuế luôn theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm.
“Không ai ngoài người nộp thuế biết đang sản xuất, kinh doanh ngành hàng nào, có thuộc nhóm được Nhà nước cho phép gia hạn không”, bà nói.
Nghị định 52 cũng thiết kế danh mục ngành hàng mà người nộp thuế sẽ tự kiểm tra để xác định thuộc nhóm, mục nào. Nếu không thuộc các ô này, sẽ không được hưởng chính sách. Còn cơ quan thuế chỉ rà soát, kiểm tra đối chiếu xem người khai thuế có sai sót, nhầm lẫn để nhắc nhở chứ không phủ định việc họ có được gia hạn nộp thuế hay không.
“Tôi khẳng định, giấy đề nghị gia hạn nộp thuế có tính chất pháp lý, có hiệu lực để áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế”, bà Hà nói.
Cuối cùng, ông đề nghị các cơ quan quản lý phải đặt câu hỏi theo hướng liệu còn có thể làm tốt hơn nữa với các chính sách này hay không. Theo đó, ông kiến nghị có thể cân nhắc, đề xuất Chính phủ về biện pháp giảm thuế để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
“Được như vậy thì sẽ hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép đã đề ra”, ông Hiếu nói.
Bài viết này hữu ích như thế nào?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.
Đăng ký nhận bản tin
Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp
08/03/2024
Làm hộ chiếu cần những giấy tờ gì năm 2024
08/03/2024