09 tháng 01, 2023 Tin tức
5
(666)

(BKTO) – Theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 05) về kiểm toán nội bộ (KTNB), ngày 01/4/2021 là thời hạn tất cả các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng, trong đó có DN niêm yết và DNNN phải hoàn thành những công việc cần thiết để thực hiện KTNB.Vậy DN cần lưu ý những gì để có thể thực hiện tốt yêu cầu này?

Những lưu ý về cách thức triển khai kiểm toán nội bộ

Nghị định 05 đưa ra khung pháp lý về cách thức tổ chức, thực hiện KTNB cũng như vai trò, trách nhiệm của bộ phận này và các bên liên quan.

Theo đó, các DN bắt buộc phải triển khai KTNB bao gồm: Công ty niêm yết; DNNN sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con; DNNN là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Các đối tượng thực hiện có 24 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (01/4/2019) để hoàn thành các bước chuẩn bị cần thiết cho chức năng KTNB và thời điểm này chính là lúc các DN phải tăng tốc để có thể đáp ứng được kỳ vọng về một chức năng KTNB hiệu quả theo thông lệ cũng như luật định.

Theo các chuyên gia của PwC, đối với Nghị định 05, các DN cần xác định rõ hình thức tổ chức KTNB là một chức năng hay một bộ phận và vị trí của chức năng/bộ phận KTNB trong cơ cấu tổ chức của mình. Cùng với đó, hội đồng quản trị cũng có quyền và trách nhiệm với KTNB. Như vậy, DN cần làm rõ quyền và trách nhiệm của hội đồng quản trị/hội đồng thành viên và ban kiểm soát đối với KTNB; cơ chế báo cáo của KTNB đối với hội đồng quản trị/hội đồng thành viên và ban kiểm soát.

Một số điều của Nghị định nhấn mạnh vào việc bộ phận KTNB và người làm KTNB cần phải được trao quyền hạn rõ ràng, có quyền truy cập không hạn chế khi thực hiện công tác KTNB. Để đáp ứng được yêu cầu này, các chuyên gia của PwC đã chỉ ra những vấn đề DN cần lưu ý bao gồm: quyền hạn của KTNB cần phải được quy định rõ ràng trong Quy chế KTNB; các quy định về quyền hạn của KTNB cần có sự hỗ trợ, đồng thuận của hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, ban lãnh đạo và các bên liên quan; ban lãnh đạo DN cần thực hiện các thông báo rõ ràng trong toàn đơn vị và có chế tài xử lý khi các bên liên quan làm cản trở công tác KTNB.

Cũng theo Nghị định, nhiệm vụ của bộ phận KTNB là thực hiện tư vấn và tham mưu nội bộ khi có yêu cầu. Thời điểm KTNB thực hiện chức năng này, DN cần lưu ý đến yêu cầu về tính độc lập khi thực hiện các hoạt động kiểm toán sau này. Việc phân tách hoạt động kiểm toán và tư vấn cần được làm rõ trong các quy chế nội bộ và trong chiến lược của KTNB.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tuân thủ Nghị định 05

Tại Hội thảo: “Triển khai chức năng KTNB trong DN niêm yết” mới đây, ông Ivan Phạm – Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam – đánh giá: Việc các DN quan tâm đến KTNB đang thay đổi dần do nhu cầu của các nhà đầu tư về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, cơ chế kiểm soát và giám sát chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều DN trong nước vẫn chưa quan tâm đúng mức và chưa sẵn sàng cho việc tuân thủ Nghị định 05.

Vì vậy, việc đầu tiên các DN cần làm là thay đổi quan điểm của lãnh đạo và các bên liên quan về giá trị mà KTNB mang lại. Thực tế, nhiều DN vẫn còn nhầm lẫn giữa KTNB và kiểm soát nội bộ. Trong nhiều DN, lĩnh vực chủ yếu của KTNB là kiểm soát tài chính và thực hiện chức năng tuân thủ theo từng sự vụ nên chưa làm đúng vai trò của KTNB theo thông lệ quốc tế. Do đó, DN cần tổ chức đào tạo kiến thức về KTNB cho hội đồng quản trị, ban điều hành, trưởng và phó các phòng ban… Những hiểu biết về KTNB và sự ủng hộ của lãnh đạo sẽ giúp định hướng, thúc đẩy vai trò của KTNB trong DN.

Tiếp theo, lãnh đạo DN cần phải xây dựng mô hình tổ chức KTNB phù hợp với mục tiêu, phạm vi hoạt động của DN mình. Từ đó, DN thiết lập các quy định và quy chế về phương thức đánh giá rủi ro, lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, báo cáo kết quả kiểm toán, theo dõi sau kiểm toán và thực hiện các kiến nghị. DN nên tham khảo các thông lệ quốc tế như Chuẩn mực quốc tế về hành nghề KTNB của Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (IIA) để có thể áp dụng phù hợp với tình hình đơn vị mình.

Cuối cùng, các DN cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực và công cụ cần thiết để tối ưu hóa việc thực hiện KTNB. Thực tế, số lượng nhân sự KTNB theo yêu cầu của Nghị định 05 chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho tất cả các DN. Vì vậy, DN có thể lên kế hoạch đào tạo, luân chuyển các cán bộ có kinh nghiệm tại các bộ phận vận hành sang vai trò mới để tận dụng hiểu biết của họ về DN. Ở giai đoạn này, DN có thể cân nhắc bài toán giữa việc sử dụng KTNB ngay trong DN, KTNB thuê ngoài hoặc KTNB kết hợp để giảm thiểu chi phí mà vẫn tạo giá trị thặng dư và nâng cao năng lực cho bộ phận này – đại diện Deloitte đưa ra khuyến nghị.

Chia sẻ thêm về vấn đề nguồn lực, ông Hoàng Hùng – Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam – cho biết: Để thiết lập chức năng KTNB hiệu quả, DN cần chuẩn bị 3 vấn đề trọng tâm, đó là: chủ động tuyển dụng, đào tạo và huy động nhân sự để thực hiện KTNB, đặc biệt về các kiến thức ngành, kỹ năng phân tích, đánh giá, kiểm toán công nghệ thông tin; cần có đủ ngân sách để thực hiện công việc và duy trì nguồn nhân sự chất lượng hoặc kết hợp với tư vấn bên ngoài; việc xây dựng và phát triển nguồn lực KTNB cần được cụ thể trong chiến lược KTNB.

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 666

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Đăng ký nhận bản tin

Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Comments
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận
    Hotline Zalo Messenger Up