10 tháng 01, 2023 Bản tin thuế
0
(0)

Kết quả cải cách hệ thống thuế có tác động nhiều mặt đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó, cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng cần đạt được.

Trong giai đoạn 2021-2030, mục tiêu cải cách hệ thống thuế vẫn nên là “Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, minh bạch, công bằng, hiệu quả, có tính ổn định cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước. Công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả cao, góp phần tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi dựa trên bốn nền tảng cơ bản là pháp luật thuế minh bạch, đơn giản, dễ hiểu và phù hợp thực tiễn; thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao trên cơ sở phát huy tối đa thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đội ngũ công chức quản lý thuế chuyên nghiệp và liêm chính, xây dựng ngành thuế Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, liêm chính, hiệu lực và hiệu quả”. 

Bên cạnh đó, so với mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, cần bổ sung thêm một số nội dung cải cách thuế để phản ánh đầy đủ các tiêu chuẩn của hệ thống thuế hiện đại. Cụ thể là: Về cải cách chính sách thuế, mục tiêu cao nhất là xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những phân khúc tạo ra giá trị cao.  

Hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí được sửa đổi, bổ sung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đáp ứng tốt yêu cầu chủ động hội nhập và hội nhập kinh tế quốc tế; khuyến khích thu hút cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, hệ thống chính sách thuế tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao hơn nữa tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2025 đạt trên 85% tổng thu NSNN và đến năm 2030 đạt 90% tổng thu NSNN. 

Ngoài ra, một số định hướng sửa đổi, bổ sung cần được lưu ý gồm: giữ mức thuế suất thuế TNDN phổ thông 20% như hiện nay ổn định đến hết năm 2025; từ năm 2026 trở đi, căn cứ vào điều kiện cụ thể của nền kinh tế và bối cảnh cạnh tranh thuế quốc tế để có điều chỉnh phù hợp. Với thuế TNCN rà soát cắt giảm các khoản thu nhập miễn thuế không thực sự cần thiết để mở rộng cơ sở thuế; nghiên cứu sửa đổi biểu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công theo hướng giảm mức thuế suất cao nhất để thu hút nhân lực chất lượng cao; giảm bớt các bậc thuế và điều chỉnh giãn cách các bậc thuế để điều tiết công bằng hơn thu nhập của người nộp thuế…

Riêng với thuế giá trị gia tăng (GTGT), cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế để mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo tính liên hoàn; đến năm 2025 còn khoảng 20 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; đến năm 2030 còn khoảng 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; thu hẹp dần đối tượng áp dụng thuế suất 5% vào năm 2025 để đến năm 2030 áp dụng cơ chế một mức thuế suất ngoài mức thuế suất 0%.
Về cải cách quản lý thuế, mục tiêu tổng quát của giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính theo định hướng chuẩn mực quốc tế; xây dựng cơ quan thuế theo hướng cung cấp dịch vụ công phục vụ hoạt động kê khai, nộp thuế; nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ; hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thuế; nâng cao năng lực hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật; ứng dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo đến năm 2025 sẽ có 100% các thủ tục thuế thực hiện bằng phương thức điện tử; phấn đấu đưa Việt Nam ổn định trong top 4 khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế vào giai đoạn 2021-2025 và ổn định trong tốp 3 giai đoạn 2026-2030.

Theo đó, ngoài việc tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, thì ngành thuế cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, đảm bảo việc kê khai thuế nộp thuế điện tử được đơn giản và dễ dàng nhất; phấn đấu đến năm 2022, 100% bộ thủ tục hành chính thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia ở cấp độ 4 và nâng lên mức độ cao hơn vào những năm tiếp theo.

Cùng với đó, cần hoàn thiện việc kết nối thông tin tự động quản lý thuế với các cơ quan nhà nước, chậm nhất vào năm 2025; hoàn thiện cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất; tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về thuế. Đặc biệt, cần nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dự báo thu hiện đại, tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo thu ngân sách của Việt Nam.

(*) Trích lược theo bài “Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 hướng đến một cơ cấu thu ngân sách bền vững” – PGS., TS. Lê Xuân Trường đăng trên Tạp chí Thuế.

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Đăng ký nhận bản tin

Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Comments
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận
    Hotline Zalo Messenger Up