Đẩy mạnh ứng dụng kế toán xanh tại các doanh nghiệp Việt Nam

09 tháng 01, 2023 Kiểm toán

NỘI DUNG BÀI VIẾT

0
(0)

Kế toán xanh mang đến rất nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà cả nền kinh tế đất nước. Ứng dụng kế toán xanh mang nhiều lại giá trị tích cực. Tuy nhiên, việc áp dụng tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế, do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng kế toán xanh trong các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Một số vấn đề về kế toán xanh

Năm 2014, Liên Hợp Quốc đã triển khai chương trình ứng dụng “Hệ thống kế toán về kinh tế và môi trường” hay còn gọi là kế toán xanh. Kế toán xanh được coi là một công cụ quan trọng liên quan đến các khía cạnh ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đối với nền kinh tế và được xem là bước chuyển đổi theo phương thức phát triển bền vững, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh.

Kế toán xanh nói chung và kế toán môi trường nói riêng là một bộ phận của tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu “do con người, vì con người”, góp phần tạo sự ổn định, bền vững cho nguồn lực môi trường, xã hội phát triển.

Theo S. Sudhamathi, S. Kaliyamoorthy (2014), kế toán xanh bao gồm 3 mục tiêu chính: Xác định, thu thập, tính toán và phân tích vật liệu và các vật liệu liên quan đến năng lượng; Báo cáo nội bộ và sử dụng thông tin về chi phí môi trường; Cung cấp thông tin liên quan đến chi phí khác trong quá trình ra quyết định, với mục đích đưa ra các quyết định hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường.

Một số nghiên cứu cho rằng, kế toán xanh được chia thành nhiều góc độ khác nhau, bao gồm 5 nội dung chính: Kế toán tài chính môi trường; kế toán quản trị môi trường; pháp luật về môi trường; tài chính môi trường; đạo đức và quan hệ với cộng đồng xã hội.

Kế toán xanh có thể hiểu là một hệ thống kế toán hiện đại và toàn diện nhằm ghi chép, tổng hợp và lập báo cáo cho một tổ chức, để phản ánh đầy đủ các nội dung về tài sản, nợ phải trả, vốn đầu tư, nguồn thu và các khoản chi cho môi trường xanh của quốc gia. Mục đích của kế toán xanh là giúp doanh nghiệp hiểu và quản lý các mục tiêu kinh tế truyền thống và mục tiêu môi trường, từ đó hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Những lợi ích mà kế toán xanh mang lại

Kế toán xanh mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Trong đó, phải kể đến những lợi ích cơ bản như sau:

Thứ nhất, kế toán xanh giúp cung cấp thông tin, kiểm tra lợi nhuận, doanh thu và chi phí môi trường của doanh nghiệp để từ đó nhà quản trị đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, việc áp dụng kế toán xanh sẽ giúp nâng cao uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Kế toán xanh sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp với các bên liên quan, giúp doanh nghiệp cải thiện quan hệ với chủ nợ, ngân hàng, cổ đông, khách hàng… do đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường quốc tế, tạo được lợi thế thương mại, nâng cao uy tín trong cộng đồng nhờ phát triển hình ảnh “xanh”.

Thứ ba, áp dụng kế toán xanh giúp giảm giá thành sản xuất. Nếu thực hiện tốt kế toán xanh, doanh nghiệp sẽ hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng lợi thế cạnh tranh do giảm được giá thành sản xuất.

Thứ tư, việc thực hiện tốt kế toán xanh giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến làm giảm giá thành. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý.

Thứ năm, kế toán xanh còn giúp cải tiến hệ thống hạch toán hiện có nhờ vào việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán khoa học hơn và gắn kết được luồng thông tin của các hoạt động từ các bộ phận của doanh nghiệp.

Thứ sáu, kế toán xanh giúp cung cấp cho kế toán lường trước các tác động của môi trường, một số yếu tố có thể gây ra cho một doanh nghiệp hoặc tổ chức, từ đó giúp các nhà quản trị doanh nghiệp và các nhà làm chính sách có cách thức đối phó và giải quyết hợp lý. Nhờ đó, cũng sẽ giúp giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khoẻ cộng đồng, đồng thời cải thiện công tác kế toán quản trị và tài chính môi trường ở phạm vi doanh nghiệp.

Thứ bảy, kế toán xanh góp phần tìm kiếm và cung cấp các thông tin quan trọng và cần thiết về các chi phí và doanh thu có liên quan đến môi trường; hướng dẫn các doanh nghiệp, các chủ dự án trong các quyết định kinh tế, khuyến khích họ nỗ lực trong việc sử dụng tài nguyên, kể cả tài nguyên thiên nhiên do con người tạo ra một cách có hiệu quả và hạn chế tối đa sự hủy hoại môi trường, hạn chế rác thải và sự ô nhiễm, thay đổi các hành vi đối xử với môi trường sống.

Một số nghiên cứu về kế toán xanh

Có rất nhiều công trình nghiên cứu về kế toán xanh đã được thực hiện. Rubenstein (1992) cho rằng, vấn đề đạo đức có thể được giải quyết khi quản lý môi trường được đặt dưới góc độ của khía cạnh tài chính, khi đó sẽ đạt được tầm quan trọng nhiều hơn từ kinh doanh. Tầm quan trọng của vấn đề môi trường đã được tăng lên do sự suy giảm liên tục của môi trường và gia tăng các thảm họa môi trường.

Asheim (1997) cho thấy, việc thành lập hệ thống kế toán xanh hoặc môi trường để ngăn chặn ô nhiễm hoặc thiệt hại. Hệ thống xem xét các biện pháp kinh tế có tác động đến sản xuất và tiêu thụ điện về môi trường. Do quá trình nhà máy điện có ảnh hưởng đến nguồn vốn tự nhiên cao được xem xét và hành động tương ứng cần thiết được thực hiện.

Aronson và Lokfgren (1999) đưa ra lập luận rằng xã hội khuyến cáo các hành vi có trách nhiệm môi trường từ cả 2 phía, phía chính phủ và kinh doanh bằng cách kiểm tra những thảm họa sinh thái và suy thoái của hệ sinh thái của trái đất. Thực tế chung là kết quả dự kiến sẽ đạt được khi các nhà quản lý kinh doanh được trao trách nhiệm giải quyết các vấn đề đạo đức bằng cách xem xét hoặc thúc đẩy lợi nhuận của mình hoặc bảo vệ môi trường. Do đó, cần có các biện pháp tiêu chuẩn hóa và định lượng để kiểm soát các hoạt động kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

Báo cáo “Nâng cao vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy Kế toán quản lý môi trường” (EMA) được Liên Hợp Quốc công bố vào năm 2011. Bản báo cáo đã được xuất bản để mô tả một số nguyên tắc và thủ tục liên quan đến kế toán quản lý môi trường, đặc biệt tập trung vào các kỹ thuật để định lượng các chi phí môi trường cho sự phát triển của quốc gia EMA hướng dẫn và khuôn khổ.

Heba YM & Yousuf (2010) đã kiểm tra các khái niệm kế toán môi trường bằng cách khám phá các kỹ thuật để phát triển các báo cáo môi trường cho phép chính phủ sử dụng và làm cho nhiều doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các yếu tố bên ngoài của họ. Harazain và Horváth (2011), trong bài viết “Mối quan hệ giữa kế toán môi trường và các trụ cột của phát triển bền vững mô tả bốn thách thức liên quan đến phát triển bền vững. Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu và xem xét lý thuyết, tác giả đã có thể kết luận rằng kế toán môi trường không phải là vượt qua những thách thức xã hội và hội nhập bền vững.

Thực trạng nghiên cứu và áp dụng kế toán xanh ở Việt Nam

Về các quy định của pháp luật, Việt Nam đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005. Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP; Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/09/2012, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC…

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa ban hành chế độ kế toán có liên quan đến việc áp dụng kế toán xanh trong doanh nghiệp. Các chế độ kế toán hiện hành chưa có các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp trong việc bóc tách và theo dõi chi phí sản xuất kinh doanh, chưa có các tài khoản cần thiết để hạch toán các khoản chi phí môi trường… Hiện chưa có nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và áp dụng kế toán xanh.         

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, triển khai áp dụng kế toán xanh vào Việt Nam vẫn còn nhiều mới mẻ. Số lượng công trình nghiên cứu trong nước về vấn đề kế toán xanh cũng chưa nhiều. Hầu hết nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến những vấn đề liên quan đến kế toán xanh. Một số doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề kế toán xanh nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng. Nguyên nhân được xác định là bởi những hạn chế các thức áp dụng, thiếu nhân lực và khoa học công nghệ…

Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng kế toán xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam

Để đẩy mạnh ứng dụng kế toán xanh trong các doanh nghiệp Việt Nam, những nội dung cần tập trung thực hiện gồm:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm, chú trọng hơn đến việc áp dụng kế toán xanh trong các doanh nghiệp; Cần nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn cách thức áp dụng kế toán xanh, có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu và áp dụng kế toán xanh. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam nên nghiên cứu, xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn về kế toán xanh và nhấn mạnh đây là công cụ hữu hiệu quản lý hoạt động môi trường của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần hoàn thiện xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường. Hệ thống báo cáo quản trị môi trường sẽ cung cấp các thông tin về chi phí môi trường cho các nhà quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phục vụ cho quá trình phân tích thông tin chi phí môi trường, các nhà quản lý phải căn cứ vào hệ thống các chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp cùng với các nhà nghiên cứu chính sách cần tập trung hoàn thiện xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường.        

Thứ ba, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kế toán xanh, chú trọng nghiên cứu và áp dụng và coi kế toán xanh là một bộ phận của hệ thống kế toán doanh nghiệp.

Thứ tư, phát huy sức mạnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, vận dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại vào việc áp dụng kế toán xanh để đạt được hiệu quả cao và theo hướng hội nhập quốc tế.

Thứ năm, cần nghiên cứu kinh nghiệm vận dụng kế toán xanh của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc áp dụng kế toán xanh cho các doanh nghiệp.         

Tài liệu tham khảo:

Luật Môi trường năm 1993, và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005;

Chính phủ, Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường;

Abdel-Rahim, Heba Y. M., & Yousef M. Abdel-Rahim. (2010), Green accounting – a proposition for EA/ER conceptual implementation methodology. Journal of Sustainability and Green Business;

Adams, C. A. (2002), Internal organisational factors influencing corporate social and ethical reporting: beyond current theorising. Accounting, Auditing & Accountability Journal;

Asheim, G. B. (1997), Adjusting green NNP to measure sustainability. The Scandinavian Journal of Economics, forthcoming.

 

 

 

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Đăng ký nhận bản tin

Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Comments
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận
    Hotline Zalo Messenger Up