Hiện nay, Việt Nam đã có những bước tiến trong việc nghiên cứu, xây dựng các quy định trong lĩnh vực kế toán công theo hướng hòa nhập và tiệm cận thông lệ quốc tế, song vẫn còn khoảng cách nhất định về việc ghi nhận và trình bày các thông tin về thu, chi ngân sách nhà nước, kế toán các quỹ tài chính, kế toán thuế và kế toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Trong khi nhu cầu báo cáo tài chính phản ánh đầy đủ, chính xác và minh bạch theo thông lệ quốc tế là điều xã hội quan tâm. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế trong trình bày báo cáo tài chính công tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng.
Thấy gì từ việc vận dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế?
Kết quả nghiên cứu việc cải cách hệ thống kế toán công và vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế tại các quốc gia cho thấy, thực hiện cải cách kế toán công; vận dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) bắt nguồn từ những hạn chế của hệ thống quản lý tài chính, tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng đe dọa tính hợp pháp và thẩm quyền của Chính phủ. Việc cải cách kế toán công giúp minh bạch thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình và hạn chế sự khác biệt so với thông lệ quốc tế (Chan, 2006; Alshjairi, 2014).
Việc cải cách hệ thống kế toán còn phát sinh do sự thay đổi trong thể chế chính trị, kinh tế và chủ trương hội nhập kinh tế thế giới (Alshjairi, 2014). Bên cạnh đó, những hạn chế sai sót từ kế toán khu vực công làm cho việc ghi nhận không đầy đủ về tình hình tài chính công, các hoạt động gian lận, chi tiêu lãng phí cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện cải cách hệ thống kế toán công của quốc gia (Mhaka, 2014).
Các nghiên cứu đều thống nhất rằng, cải cách hệ thống kế toán công theo hướng vận dụng IPSAS nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch của các báo cáo tài chính Chính phủ (Irina và cộng sự, 2013; Ijeoma, NB, 2014). IPSAS phù hợp với các tổ chức quốc tế hoặc các nhà viện trợ phát triển, thúc đẩy khả năng so sánh thông tin tài chính trên phạm vi quốc tế, tăng cường sự minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của Chính phủ cho người dân, cử tri và các đại diện của họ (Alshjairi, 2014; Gomes, 2013).
Các nhân tố tác động đến quá trình cải cách và vận dụng IPSAS bao gồm: Sự khác biệt về văn hóa, bối cảnh lịch sử, cấu trúc của mỗi quốc gia và sự thống trị của kế toán doanh nghiệp đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình cải cách và vận dụng IPSAS của các quốc gia với nhiều mức độ khác nhau (Christiaens và cộng sự, 2013).
Những khác biệt về ngôn ngữ, thuật ngữ sử dụng trong kế toán, những khó khăn khi chuyển từ kế toán trên cơ sở tiền mặt sang kế toán trên cơ sở dồn tích hoặc thực hiện kế toán dồn tích không đầy đủ, sự gián đoạn trong cải cách khu vực công, cùng với sự hạn chế về trình độ nguồn nhân lực và công nghệ là những nhân tố cản trở việc vận dụng IPSAS tại các quốc gia (Roje và cộng sự, 2010; Cardoso và cộng sự, 2014). Đối với các nước đang phát triển, vai trò hỗ trợ của cán bộ lãnh đạo cấp cao và nguồn lực tài chính có ý nghĩa quan trọng để thực hiện việc chuyển đổi và vận dụng IPSAS (Chan, 2006).
Có thể thấy, các nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá những lợi ích và thách thức mà các quốc gia phải đối mặt khi thực hiện cải cách hệ thống kế toán công và vận dụng IPSAS. Thông qua phân tích thực nghiệm, một số tác giả đã xây dựng được mô hình những nhân tố ảnh hưởng đến việc cải cách hệ thống kế toán công và việc vận dụng IPSAS, qua đó làm rõ những điều kiện cần thiết để vận dụng IPSAS. Tuy nhiên, các nghiên cứu này được thực hiện tại mỗi quốc gia với hệ thống pháp lý, chính trị, kinh tế và trình độ nguồn nhân lực cũng như nhiều yếu tố đặc thù khác nhau.
Nhìn chung, các nghiên cứu về vận dụng IPSAS cho thấy, mỗi quốc gia đều có những chính sách kế toán của riêng biệt. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội, việc áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế là cần thiết và song song với nó luôn là việc cải cách kế toán khu vực công.
Các nghiên cứu tại Việt Nam
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, áp dụng IPSAS trong việc lập báo cáo tài chính công là nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Hội nhập và phát triển cùng với kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Trong quá trình vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế không thể tránh khỏi những khó khăn như chi phí tài chính, con người, công nghệ…
Trong những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Việc gia nhập và hợp tác với các tổ chức kinh tế và các hiệp định thương mại (như: Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU…) đặt ra yêu cầu Việt Nam phải cung cấp thông tin có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận. Việc xây dựng các chuẩn mực kế toán công là cơ sở để Việt Nam được tăng hạng, đánh giá tín nhiệm cao hơn trong việc thiết lập các quan hệ với các tổ chức quốc tế.
Việt Nam đã tiến hành xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực doanh nghiệp, hiện nay đang có kế hoạch triển khai áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Tuy nhiên, trong lĩnh vực kế toán công tại Việt Nam, đến nay mới chỉ xây dựng và ban hành các chế độ kế toán hướng dẫn công tác kế toán tại các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước.
Dù Việt Nam tuy đã có những bước tiến đáng kể trong việc nghiên cứu xây dựng các quy định trong lĩnh vực kế toán công theo hướng hòa nhập với các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các quy định được đặt ra trong các chế độ kế toán này phần lớn là các quy định hướng dẫn công tác kế toán và tổ chức bộ máy kế toán, chưa có những quy định mang tính nguyên tắc, thống nhất một cách đầy đủ, đồng bộ phù hợp với thông lệ quốc tế…
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đang triển khai thực hiện Đề án Tổng Kế toán Nhà nước nhằm xây dựng hệ thống báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam để có cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy trình và nội dung thông tin báo cáo tài chính nhà nước do Tổng Kế toán Nhà nước cung cấp. Như vậy, việc xây dựng và ban hành các Chuẩn mực kế toán công Việt Nam là cần thiết trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế hiện nay.
Qua việc tìm hiểu hệ thống IPSAS, Đoàn Xuân Tiên (2009) đưa ra quan điểm về các nguyên tắc xây dựng Chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Theo đó, các đề xuất về nguyên tắc thiết kế hệ thống Chuẩn mực kế toán công Việt Nam bao gồm: Vận dụng kinh nghiệm xây dựng Chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Việt Nam và hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam để định hướng nguyên tắc, nội dung và kết cấu;
Về phạm vi, tác giả đề xuất phạm vi của Chuẩn mực kế toán công Việt Nam phải bao trùm các hoạt động liên quan đến ngân sách; áp dụng kế toán dồn tích. Về tổ chức kế toán ngân sách nhà nước giao cho Kho bạc Nhà nước, kế toán các hoạt động trong cơ quan Nhà nước vẫn thực hiện như hiện nay; đối tượng vận dụng chuẩn mực kế toán công là các hoạt động liên quan đến ngân sách nhà nước.
Đánh giá khả năng vận dụng IPSAS vào Việt Nam và đưa ra một số quan điểm về việc xây dựng Chuẩn mực kế toán công Việt Nam, Đặng Thái Hùng (2011) cho rằng việc nghiên cứu, ban hành và công bố Chuẩn mực kế toán công Việt Nam phải đảm bảo phù hợp với IPSAS; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam.
Chuẩn mực kế toán công Việt Nam được xây dựng theo quy trình của Bộ Tài chính và quy trình ban hành văn bản pháp luật của Việt Nam. Những nội dung IPSAS chưa quy định có thể tham chiếu chuẩn mực kế toán doanh nghiệp hoặc tự quy định phù hợp với chính sách của Việt Nam. Việt Nam có thể chọn một phương pháp để thực hiện vào điều kiện thực tế.
Với mục tiêu hoàn thiện hệ thống kế toán thu chi ngân sách Việt Nam phù hợp với thực tế tình hình kinh tế – xã hội và tiếp cận dần với một số nội dung cơ bản của IPSAS, Phạm Quang Huy (2010) đã làm rõ các cơ sở lý luận liên quan đến kế toán thu, chi ngân sách; nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia; đồng thời, phân tích những hạn chế của hệ thống kế toán thu, chi ngân sách Việt Nam.
Qua đó, một số giải pháp được đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống kế toán thu, chi ngân sách nhà nước được tập trung vào 3 nội dung sau: (1) Phù hợp đặc điểm quản lý thu, chi ngân sách tại Việt Nam; (2) Từng bước phù hợp và tương thích với IPSAS; (3) Tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngân sách nhà nước.
Nghiên cứu của Lê Thị Nha Trang (2020) cũng đã chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng vận dụng IPSAS bao gồm các nhân tố tạo nên những thuận lợi như: Sự hỗ trợ tài chính từ ngân hàng thế giới; chủ trương cải cách hệ thống kế toán công; Việt Nam có kinh nghiệm từ quá trình xây dựng chuẩn mực kế toán doanh nghiệp… Những nhân tố tác động làm cản trở việc vận dụng IPSAS bao gồm: Khó khăn trong tổng hợp các dữ liệu quốc gia; hạn chế về trình độ nguồn nhân lực và nhận thức về IPSAS; thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện; hệ thống thông tin không đạt yêu cầu để vận dụng IPSAS… Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chưa bàn sâu đến việc xây dựng Chuẩn mực kế toán công Việt Nam trong điều kiện vận dụng IPSAS.
Theo Lê Thị Nha Trang (2012), dựa trên nghiên cứu các lý thuyết về kế toán công và IPSAS để đánh giá những lợi thế và bất lợi của IPSAS cùng với những ảnh hưởng của IPSAS đến các mức độ vận dụng khác nhau tại các quốc gia. Nghiên cứu cũng khảo sát thực trạng các chế độ kế toán thuộc khu vực công Việt Nam, phân tích những khác biệt so với IPSAS.
Theo đó, các hạn chế ảnh hưởng đến việc vận dụng IPSAS bao gồm: (1) Khó khăn trong tổng hợp các dữ liệu về ngân sách quốc gia cho kế toán công được thực hiện bởi nhiều cơ quan khác nhau và chưa có quy định thống nhất; các thông tin kế toán không cung cấp đủ cơ sở để đánh giá tình hình tài chính của Chính phủ do việc sử dụng cơ sở kế toán của các đơn vị công khác biệt nhau; (2) Việc hạn chế về trình độ nguồn nhân lực là vấn đề cần quan tâm, kết quả nghiên cứu của tác giả cho thấy, nhân lực của Việt Nam chưa trang bị hiểu biết một cách đầy đủ về IPSAS; (3) Một hạn chế nữa mà nghiên cứu đề cập đó là nguồn lực tài chính để thực hiện dự án; (4) Hệ thống công nghệ thông tin không đạt yêu cầu để thực hiện IPSAS.
Với những thách thức trên, điều kiện cần để vận dụng IPSAS tại Việt Nam bao gồm: Sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ tài chính như Ngân hàng Thế giới; Cải cách quản lý khu vực công, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và cơ chế quản lý tài chính công; Đào tạo kế toán có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công; Xây dựng và phát triển một hệ thống xử lý thông tin kế toán hướng tới hợp nhất báo cáo tài chính Chính phủ; Đào tạo kế toán có trình độ và chuyên môn cao trong lĩnh vực công; Xây dựng và phát triển một hệ thống xử lý thông tin kế toán cùng với việc nâng cấp công nghệ thông tin.
Nhìn chung, nghiên cứu đã đánh giá được những hạn chế từ khu vực công Việt Nam ảnh hưởng đến việc vận dụng IPSAS, tuy nhiên, nghiên cứu chưa đi sâu khai thác những tác động từ hệ thống pháp lý, các quy định về quản lý tài chính công, kỹ thuật nghiệp vụ được áp dụng trong kế toán công trong mối liên hệ với việc vận dụng IPSAS.
Nghiên cứu của PGS., TS. Trần Đình Khôi Nguyên (2013) bàn về thang đo các nhân tố phi tài chính ảnh hưởng vận dụng chuẩn mực kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Nghiên cứu này đã chỉ ra 4 nhân tố với các thuộc tính của nó có thể ảnh hưởng đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán. Đó là chất lượng nguồn nhân lực kế toán, tài liệu hướng dẫn thực hành, tư vấn cộng đồng kế toán và nhận thức của người chủ doanh nghiệp. Do nghiên cứu này chỉ thực hiện phạm vi tại Đà Nẵng, nên hướng nghiên cứu tiếp theo cần kiểm định độ tin cậy của thang đo ở nhiều địa phương khác nhau để đảm bảo kiểm chứng ở mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán.
Hiện tại, lĩnh vực kế toán hành chính sự nghiệp tại Việt Nam chưa có chuẩn mực cụ thể. Các nghiên cứu liên quan đến việc vận dụng chuẩn mực cũng không nhiều, đặc biệt là việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng. Các đơn vị hành chính sự nghiệp tại Việt Nam cũng chưa có kế hoạch trình bày báo cáo tài chính. Trong khi, báo cáo này cung cấp nhiều trong tin thiết yếu, giúp gia tăng tính minh bạch trong thông tin tài chính.
Kết luận
Việt Nam đã tiến hành xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực doanh nghiệp, hiện nay đang có kế hoạch triển khai áp dụng IFRS. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kế toán công đến nay mới chỉ xây dựng và ban hành các chế độ kế toán hướng dẫn công tác kế toán tại các đơn vị kế toán cụ thể thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước. Các quy định được đặt ra trong các chế độ kế toán này phần lớn là các quy định hướng dẫn công tác kế toán và tổ chức bộ máy kế toán, chưa có những quy định mang tính nguyên tắc, thống nhất một cách đầy đủ, đồng bộ phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trước yêu cầu đó, ngày 31/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Theo đó, Đề án đề ra một số mục tiêu cụ thể gồm:
Một là, nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở IPSAS. Hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công phải đảm bảo các yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam; là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.
Hai là, việc nghiên cứu, xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam gắn với việc triển khai đề án xây dựng mô hình lập báo cáo tài chính nhà nước; làm cơ sở, nền tảng cho hệ thống cơ chế, chính sách tài chính Nhà nước với hệ thống văn bản pháp luật liên quan như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Chứng khoán… đã và đang được cải cách phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Ba là, việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là căn cứ ban hành hệ thống chế độ kế toán hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và ngân sách nhà nước.
Theo Đề án, từ năm 2020 đến năm 2024, nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo lộ trình: Đợt 1: thực hiện từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020; đợt 2 thực hiện từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021; đợt 3 từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2022; đợt 4 từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023. Các đợt còn lại, thời gian thực hiện từ tháng 01/2024. Sau khi ban hành được 21 chuẩn mực kế toán công Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ tổng kết, đánh giá và lựa chọn các chuẩn mực còn lại trong các giai đoạn tiếp theo phù hợp với cơ chế, chính sách trong khu vực công để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, phù hợp với các nguyên tắc của chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Trong các đợt còn lại sẽ ban hành các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi có đủ điều kiện để giải quyết sự khác biệt với kinh tế Việt Nam.
Đối với việc vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế về trình bày báo cáo tài chính (IPSAS 1), cần có sự đánh giá nghiên cứu để có thể ban hành các quy định phù hợp. Như vậy, việc nắm bắt xu hướng chung cùng với các điều kiện tại Việt Nam, thì vấn đề khảo cứu các nghiên cứu về nhân tố tác động đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế trong việc trình bày báo cáo tài chính công ở Việt Nam là rất cần thiết và cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, qua đó giúp cơ quan quản lý triển khai Đề án một cách khoa học, hiệu quả và nhanh chóng.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tài chính (2019), Đề án công bố hệ thống Chuẩn mực Kế toán công của Việt Nam, Hà Nội, tháng 6 năm 2019;
Nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng Chuẩn mực kế toán công Việt Nam trong điều kiện vận dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế. Luận án Tiến sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
Hệ thống báo cáo tài chính trong các đơn vị hành chính sự nghiệp tại Việt Nam nhìn từ Chuẩn mực Kế toán công quốc tế về trình bày báo cáo tài chính, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kế toán khu vực công tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trang 100-107, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, năm 2014;
Vận dụng Chuẩn mực Kế toán công quốc tế để trình bày báo cáo tài chính nhà nước theo mô hình Tổng kế toán nhà nước, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kế toán khu vực công tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trang 22-33, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, năm 2014;
Chan, J.L., (2006), IPSAS and Government Accounting Reform in Developing Countries. University of Illinois at Chicago;
Christiaens, J., Vanhee, C., Rossi, F., Aversano, N., Cauwenberge, P., (2014), The effect of IPSAS on reforming governmental financial reporting: an international comparison. International Review of Administrative Sciences, 0(0):1–20.
Bài viết này hữu ích như thế nào?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.
Đăng ký nhận bản tin
Nhận thông báo về luật, thông tư hướng dẫn, tài liệu về kiểm toán, báo cáo thuể, doanh nghiệp