Nghị định 05 (NĐ) đưa ra một khung pháp lý về cách thức tổ chức, thực hiện công tác Kiểm toán nội bộ (KTNB) cũng như vai trò, trách nhiệm của bộ phận KTNB và các bên liên quan. Những nội dung trong NĐ hướng đến các thông lệ quốc tế về KTNB, tăng cường tính minh bạch của thông tin và tính hiệu quả và hiệu suất trong quản trị công ty.
Tóm tắt Nghị định số 05/2019/NĐ-CP
Về cơ bản, nghị định 05 có các nội dung chính sau:
- Phạm vi và mục tiêu của KTNB
Kiểm tra, đánh giá và tư vấn các nội dung:
- Hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được thiết lập và vận hành một cách phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro của đơn vị.
- Các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao.
- Các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác mà đơn vị đạt được.
- Hiệu lực
- Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 01/04/2019;
- Trong vòng 24 tháng kể từ ngày có hiệu lực, các đối tượng áp dụng sẽ phải hoàn thành các bước chuẩn bị cần thiết để triển khai công tác KTNB theo quy định tại Nghị định.
- Đối tượng áp dụng
Theo Nghị định 05, các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ (KTNB) gồm: các công ty niêm yết; doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con; doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Nghị định cũng khuyến khích các doanh nghiệp khác thực hiện công tác KTNB.
Ngoài ra, các nội dung chính còn bao gồm các vấn đề về quy định về tiêu chuẩn nhân sư thực hiện KTNB; quy chế quy trình KTNB; trách nhiệm và quyền hạn của KTNB cùng các bên liên quan; và định hướng triển khai Nghị định.
12
thách thức chính liên quan các yêu cầu của Nghị định
- Công tác KTNB
Nghị định này quy định về công tác kiểm toán nội bộ (KTNB) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp (DN). Các Doanh nghiệp cần xác định rõ hình thức tổ chức KTNB là một chức năng hay một bộ phận, và vị trí của chức năng/bộ phận KTNB trong cơ cấu tổ chức
- Tính độc lập của KTNB
(Điều 5. Các nguyên tắc cơ bản của KTNB; Điều 6.Các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của KTNB)
Tính độc lập của KTNB được thể hiện thông qua quy chế hoặc điều lệ KTNB, trong đó phản ánh các nội dung sau:
- Cơ cấu quản trị của đơn vị, vị thế KTNB trong cơ cấu quản trị;
- Cơ chế báo cáo của KTNB đối với Hội đồng Quản trị (HĐQT)/Hội đồng thành viên (HĐTV)/Ban Kiểm soát (BKS) và Ban điều hành;
- Việc bổ nhiệm, xét lương thưởng của người làm công tác KTNB, người phụ trách KTNB cần tách khỏi thẩm quyền của Ban điều hành;
- Người làm kiểm toán nội bộ độc lập, khách quan, không có xung đột lợi ích đối với đối tượng, nội dung được kiểm toán.
- Quyền và trách nhiệm của HĐQT đối với KTNB
(Điều 26. Trách nhiệm của HĐQT/HĐTV)
Đối với mô hình quản trị công ty có thành lập BKS theo luật định:
- Cần làm rõ quyền và trách nhiệm của HĐQT/HĐTV và BKS đối với KTNB;
- Cơ chế báo cáo của KTNB đối với HĐQT/HĐTV và BKS;
- Đánh giá sự khác biệt và hiệu quả mô hình tổ chức BKS so với mô hình tổ chức Ủy ban Kiểm toán với các yêu cầu về công tác KTNB để có sự chuẩn bị/dịch chuyển nếu cần thiết.
- KTNB thực hiện tư vấn và tham mưu nội bộ khi có yêu cầu
(Điều 20. Nhiệm vụ của bộ phận KTNB)
Khi KTNB thực hiện chức năng tư vấn và tham mưu, đưa ra những kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót; đề xuất biện pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị, DN cần lưu ý đến yêu cầu về tính độc lập khi thực hiện các hoạt động kiểm toán sau này. Việc phân tách hoạt động kiểm toán và tư vấn cần được làm rõ trong các quy chế nội bộ và trong chiến lược của KTNB.
- Quyền hạn của KTNB
(Điều 22, 23 và 24,Quyền hạn của bộ phận KTNB, người làm và người phụ trách công tác KTNB)
NĐ nhấn mạnh vào việc chức năng/bộ phận KTNB và người làm KTNB cần phải được trao quyền hạn rõ ràng, cần có quyền truy cập không hạn chế khi thực hiện công tác KTNB. Những vấn đề các Doanh nghiệp cần lưu ý để đáp ứng được yêu cầu này bao gồm:
- Các quyền hạn của KTNB cần phải được quy định rõ ràng trong Quy chế KTNB;
- Cần có sự hỗ trợ, đồng thuận của HĐQT/HĐTV, Ban lãnh đạo và các bên liên quan;
- Cần thực hiện truyền thông rõ ràng trong toàn đơn vị và có chế tài xử lý khi các bên liên quan làm cản trở công tác KTNB.
- Kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng của người làm công tác KTNB
(Điều 11. Tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ)
Nghị định đưa ra những yêu cầu cơ bản về kinh nghiệm (03 – 05 năm), có kiến thức và hiểu biết về pháp luật và hoạt động của đơn vị, có khả năng phân tích, đánh giá thông tin; có kỹ năng về KTNB. Để đáp ứng những yêu cầu này, Doanh nghiệp cần phải chú trọng công tác tuyển dụng và đào tạo về các kỹ năng KTNB.
Để thực hiện được mục tiêu của KTNB đánh giá về hệ thống kiểm soát, quản trị và quản lý rủi ro, người làm công tác KTNB cũng cần phải có kiến thức, hiểu biết về kiểm soát nội bộ, quản trị và quản lý rủi ro, về kiểm toán Công nghệ thông tin cũng như đặc thù ngành nghề và lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Trong trường hợp Doanh nghiệp không có đủ nguồn lực với kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết theo yêu cầu, Doanh nghiệp có thể thuê hoặc phối kết hợp với đơn vị tư vấn bên ngoài để thực hiện toàn bộ hoặc một phần nội dung KTNB.
- Phương pháp thực hiện KTNB “định hướng theo rủi ro”
(Điều 13. Phương pháp thực hiện KTNB)
Để xây dựng được cơ chế, phương pháp KTNB theo định hướng rủi
ro, Doanh nghiệp cần:
- Thực hiện đào tạo về phương pháp xác định và đánh giá rủi ro, phương pháp luận về quản lý rủi ro;
- Xây dựng chiến lược quản trị rủi ro phù hợp với chiến lược hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp;
- Xây dựng danh mục rủi ro toàn Doanh nghiệp và thực hiện đánh giá rủi ro định kỳ;
- Phối kết hợp hiệu quả giữa quản lý rủi ro và KTNB
- Xây dựng chiến lược KTNB, kế hoạch KTNB và chương trình KTNB dựa trên rủi ro.
- Người phụ trách KTNB
(Điều 24. Trách nhiệm và quyền hạn của người phụ trách KTNB)
Điều 24 của NĐ đưa ra quy định về trách nhiệm và quyền hạn của người phụ trách KTNB. Về yêu cầu năng lực chuyên môn và các kỹ năng cần thiết, NĐ chỉ đưa ra những yêu cầu chung cho người làm công tác KTNB, không có quy định cụ thể cho Người phụ trách KTNB. Các Doanh nghiệp cần lưu ý các tiêu chí về năng lực, chuyên môn và kỹ năng khi xây dựng bản mô tả công việc và tuyển dụng Người phụ trách KTNB phù hợp với đặc thù và yêu cầu của từng đơn vị.
- Các yêu cầu về việc chủ động nguồn lực cho KTNB
(Điều 26. Trách nhiệm của HĐQT/HĐTV)
Điều 26 nêu rõ trách nhiệm của HĐQT/HĐTV cần trang bị các nguồn lực cần thiết cho bộ phận KTNB. Điều này thể hiện qua việc bộ phận KTNB và cấp quản lý chủ động xây dựng nguồn lực cần thiết cho hoạt động KTNB, bao gồm:
- Nhân sự: chủ động tuyển dụng, đào tạo và huy động nhân sự để thực hiện công tác KTNB, đặc biệt về các kiến thức ngành, kỹ năng phân tích, đánh giá, kiến thức về kiểm toán Công nghệ thông tin, v.v…
- Tài chính: KTNB có đủ ngân sách để thực hiện công việc và duy trì nguồn nhân sự có chất lượng hoặc kết hợp với tư vấn bên ngoài vv…
- Việc xây dựng và phát triển nguồn lực KTNB cần được cụ thể trong chiến lược KTNB
- Chuẩn mực chuyên môn KTNB
(Điều 12. Quy chế KTNB và Điều 29. Quản lý Nhà nước về KTNB)
Theo Điều 29 của NĐ, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đưa ra quy định về việc áp dụng các chuẩn mực chuyên môn và nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ. Theo điều 12 của NĐ, khi xây dựng quy chế, quy trình KTNB, các Doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng các thông lệ quốc tế về kiểm toán nội bộ. Tuy chưa có quy định chi tiết về việc bắt buộc phải tuân thủ yêu cầu chuẩn mực cụ thể, các Doanh nghiệp cũng cần lưu ý tổ chức thực hiện KTNB hướng đến các chuẩn mực, thông lệ tối ưu.
- Đảm bảo chất lượng hoạt động KTNB
(Điều 19. Đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ)
NĐ yêu cầu đơn vị phải tiến hành đánh giá nội bộ đối với hoạt động của KTNB để đảm bảo chất lượng hoạt động KTNB, thông qua đánh giá cuối mỗi cuộc kiểm toán và đánh giá lại hàng năm. Doanh nghiệp cần phải xác định rõ các nội dung đánh giá, xây dựng tiêu chí đánh giá một cách rõ ràng. Thông thường, các nội dung đánh giá và tiêu chí đánh giá thường được tham chiếu theo một khung tiêu chuẩn/chuẩn mực KTNB, hướng tới tổ chức hoạt động KTNB theo thông lệ tối ưu.
NĐ không bắt buộc phải có đánh giá độc lập hoặc Doanh nghiệp phải tự thực hiện đánh giá nội bộ. Doanh nghiệp có thể thuê đơn vị tư vấn độc lập tiến hành đánh giá để đảm bảo chất lượng hoạt động KTNB.
- Triển khai thực hiện và báo cáo KTNB
(Điều 12. Quy chế và Quy trình KTNB; Điều 16. Báo cáo KTNB)
Điều 12 của NĐ đưa ra những nội dung chính của quy trình KTNB và yêu cầu Doanh nghiệp phải tự xây dựng quy trình KTNB phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị. Điều này đòi hỏi KTNB phải hiểu rõ tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và chiến lược kinh doanh của DN.
NĐ cũng đưa ra những nội dung chính của Báo cáo KTNB. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn triển khai chi tiết về lập kế hoạch KTNB năm, thực hiện các cuộc KTNB và lập báo cáo KTNB. Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ các yêu cầu của NĐ, tham khảo các chuẩn mực theo thông lệ để xây dựng sổ tay KTNB, nhằm hướng dẫn người thực hiện công tác KTNB có thể triển khai thực hành KTNB theo yêu cầu và phù hợp với đặc thù hoạt động của Doanh nghiệp.
Trích nguồn: PwC.